Cần rà soát thống kê, di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khỏi địa bàn thành phố Đà Nẵng
Kiểm soát nguồn ô nhiễm 20/02/2023
Đó chính là lời của Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường để có lộ trình, kế hoạch di dời trên địa bàn thành phố.
Được biết, thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 3 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ, Hoà Nhơn, Hoà Khánh Nam.
Khu Công nghiệp Cẩm Lệ
Đối với khu công nghiệp, đang triển khai đầu tư khu công nghiệp Hoà Cầm (giai đoạn 2); Đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cho khu công nghiệp Hoà Ninh, khu công nghiệp Hoà Nhơn.
Về quỹ đất có sẵn, ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện Khu công nghiệp Liên Chiểu quỹ đất còn khoảng 100ha. Ngoài ra có khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung còn quỹ đất phục vụ cho các nhà đầu tư.
Việc di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang đặt tại các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại rất lâu. Rất nhiều doanh nghiệp trong khu dân cư muốn di dời vào các cụm công nghiệp tập trung nhưng không có nơi để đặt cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở sản xuất trong khu dân cư cũng làm phát sinh nhiều vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, mùi hôi…
Trước thực trạng này, người dân sống xung quanh các cơ sở sản xuất kiến nghị chính quyền sớm có biện pháp di dời các cơ sở vào các khu, cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị Sở Công Thương thành phố rà soát, thống kê số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường
Hiện thành phố đang xây dựng 3 cụm công nghiệp gồm Cẩm Lệ, Hoà Nhơn, Hoà Khánh Nam. Trong đó, cụm công nghiệp Cẩm Lệ dự kiến đưa vào khai thác từ quý IV/2022. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa có thông tin chính thức về thời điểm đi vào hoạt động, cách thức tiếp cận quỹ đất. Về phía chính quyền UBND thành phố Đà Nẵng chưa nắm bắt được số lượng doanh nghiệp cần thực hiện di dời vào trong cụm công nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm mùi hôi.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổng hợp số lượng doanh nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư để đánh giá nhu cầu cần xây dựng bao nhiêu cụm công nghiệp, tránh trường hợp “Đầu tư xong 3 cụm công nghiệp (Cẩm Lệ, Hoà Khánh Nam, Hoà Nhơn) lại loay hoay tìm đất".
Theo bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, năm 2019, thành phố Đà Nẵng đã có đánh giá sơ bộ và thống kê có khoảng 500 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động trong các khu, cụm dân cư có nhu cầu di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, số lượng doanh nghiệp này có thể đã tăng lên, vì vậy, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đề xuất UBND thành phố đồng ý cho chủ trương để Sở phối hợp với các sở, ngành, quận huyện đánh giá tổng hợp lại nhằm xác định thực tế các doanh nghiệp có nhu cầu di dời để từ đó làm cơ sở chuyển đổi ngành nghề, đưa doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư.
Việc đánh giá tổng thể này sẽ xác định các nhu cầu sử dụng đất cần thiết cho việc sản xuất kinh doanh còn đang ở khu dân cư để định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn thành phố. Đồng thời nắm bắt mong muốn, kiến nghị của doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp di dời.
Ngoài ra, Sở đang thực hiện nghiên cứu đánh giá, rà soát cơ sở sản xuất thô, gây ô nhiễm môi trường tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước để đưa vào khu, cụm công nghiệp.
Đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng rà soát thống kê lại tất cả các cơ sở sản xuất trong khu cụm dân cư gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - ông Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng chủ trương đầu tư khu, cụm công nghiệp là đúng và cần quyết liệt thực hiện trong điều kiện quỹ đất thực tế dành cho doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng còn thấp. Việc di dời các doanh nghiệp ra khỏi khu cần cư cũng là cần thiết. Vấn đề là làm sao để nắm bắt được số lượng doanh nghiệp cần di dời cũng như đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp.
“Doanh nghiệp hoạt động trong khu dân cư là do chính quyền cấp phép. Nhưng bây giờ khi hoạt động gây tiếng ồn, ô nhiễm mùi hôi thì chính quyền lại suốt ngày gõ cửa kêu người ta đi chỗ khác nhưng mà đi đâu? Không chỉ chỗ cho doanh nghiệp đi, không có chỗ cho doanh nghiệp đi. Doanh nghiệp rất bức xúc trong việc này", Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nói.
Người đứng đầu HĐND Thành phố cũng đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các quận, huyện rà soát cập nhật lại một lần nữa số lượng cơ sở sản xuất trong khu dân cư, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp gây ô nhiễm (tiếng ồn, mùi hôi…), sau đó phân loại ưu tiên để có lộ trình cụ thể di dời doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư vào trong khu, cụm công nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo tiến độ di dời; bên cạnh đó, UBND thành phố nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp di dời, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, hoàn thành xây dựng các cụm công nghiệp để doanh nghiệp có nơi để di dời.
VEA.
TIN LIÊN QUAN
- Giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế
- Tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng ô nhiễm môi trường
- Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang trở thành vấn đề môi trường toàn cầu
- Lạng Sơn: Kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm
- Giảm ô nhiễm nhựa – không thể trì hoãn
- Tiến tới điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát nguồn ô nhiễm từ các hoạt động thủy sản
- Hướng dẫn quản lý và kiểm soát chặt các chất ô nhiễm khó phân hủy đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm
- Hà Nội xây dựng lộ trình kiểm định khí thải xe máy
- Sửa đổi Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu
- Hướng dẫn quản lý và kiểm soát chặt các chất ô nhiễm khó phân hủy đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm