Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ các vấn đề xử lý rác thải, chất thải, ô nhiễm các lưu vực sông

Quản lý chất thải 20/02/2023

Chiều 16/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời các câu hỏi Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó là các vấn đề xử lý rác thải, chất thải, vấn đề ô nhiễm các lưu vực sông trong thời gian vừa qua. Xã hội hóa vấn đề xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường tốt nhất Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý hiệu quả việc thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải có chứa COVID-19; đánh giá về kết quả thực hiện chiến dịch hạn chế sử dụng túi ni lông và giải pháp để chiến dịch này thực hiện tốt hơn. Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cho biết biện pháp để xử lý chất thải đô thị, nước thải?

Chiều 16/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời các câu hỏi Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó là các vấn đề xử lý rác thải, chất thải, vấn đề ô nhiễm các lưu vực sông trong thời gian vừa qua.

 

Xã hội hóa vấn đề xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường tốt nhất

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý hiệu quả việc thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải có chứa COVID-19; đánh giá về kết quả thực hiện chiến dịch hạn chế sử dụng túi ni lông và giải pháp để chiến dịch này thực hiện tốt hơn. Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị cho biết biện pháp để xử lý chất thải đô thị, nước thải?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 16/3

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rác thải luôn là vấn đề cử tri quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước vấn đề đó, về các chính sách, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như các văn bản như Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật sẽ từng bước giải quyết những tồn tại đó trong thời gian tới.

Vấn đề khó khăn nhất là thu gom, cần sự vào cuộc của tất cả các hệ thống từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Trước đây, việc xử lý rác thải, chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với quan điểm rác thải phải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng, do đó, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá lại toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải, công bố các công nghệ phù hợp với từng địa phương đảm bảo đồng bộ về phương pháp thu gom, phân loại, xử lý. Do đó, địa phương sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với mình, nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc này, tuy nhiên về lâu dài cần phải xã hội hóa vấn đề này để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Đối với rác thải y tế của những người nhiễm COVID-19, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ coi đây là vấn đề quan trọng và quản lý theo tiêu chuẩn của chất thải nguy hại, do đó, Bộ phối hợp cùng Bộ Y tế có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị

Đối với vấn đề xử lý nước thải đô thị, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp cho Chính phủ để đạt được chỉ tiêu nước thải đô thị đến năm 2030 đạt 70% trong khi hiện nay theo Bộ Xây dựng công bố số liệu là 15%.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật, đặc biệt là các quy định về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư; xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, khu dân cư chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Trong thời gian tới, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Các địa phương cần ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước đây; ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Kiên quyết đóng cửa các đơn vị xả thải gây ô nhiễm

Trả lời chất vấn về nội dung đến vấn đề nước thải gây ô nhiễm các lưu vực sông Nhuệ - Đáy của đại biểu Phạm Hồng Thắng (Hà Nam) và vấn đề ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông. Bộ TN&MT sẽ kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị đóng cửa đơn vị vi phạm.

Về lâu dài, tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Từ đó, thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông. Tăng cường hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, đồng thời địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông. Ngoài ra, cần xây dựng các cụm công trình trạm bơm nước để bổ sung nguồn nước vào sông Nhuệ-Đáy, Bắc Hưng Hải để tạo dòng chảy, giảm ô nhiễm…

Tham khảo các số liệu địa chất, thủy văn để xây dựng các công trình quan trọng

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân và giải pháp trước tình trạng nguy cơ sụt lún của TP.Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung hiện nay.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc khai thác nước ngầm tràn lan là một trong các nguyên nhân chính gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại TP.HCM cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, với nền địa chất ở khu vực này yếu, trong khi có nhiều công trình xây dựng lớn dẫn đến nguy cơ sụt lún cao ở đây.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Chính phủ có đề án điều tra, đánh giá tổng thể về các nguyên nhân như sử dụng nước ngầm, cấu trúc địa chất trong khu vực ở thời điểm hiện tại, để từ đó, đưa ra giải pháp toàn diện, đặc biệt là sẽ có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tăng cường vai trò và định hướng chiến lược địa chất. Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị, cần sử dụng nước mặt thay cho khai thác nước ngầm để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Đồng thời, kiến nghị các địa phương ở trong vùng khi phát triển hạ tầng cần có tính toán, dựa trên các số liệu khoa học về địa chất, công trình thủy văn để đưa kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Mặc dù lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi, đối tượng điều chỉnh lớn, nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm, đồng thời, đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó, nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 

Khương Trung - Thanh Tùng (CTTĐT Bộ TN&MT)