Áp lực về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta hiện nay

Quản lý chất thải 20/02/2023

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%.

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%.

Trong điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối, ngăn không cho xe chở rác vào các bãi chôn lấp do ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc mở rộng các bãi chôn lấp gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của người dân. Vì vậy, triển khai các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần biện pháp chôn lấp là hết sức cấp bách và mang tính căn cơ, lâu dài.

Tuy nhiên, đang có một thực tế là tình trạng “loạn công nghệ" xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, công ty môi trường có vốn nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng nhà máy nhưng hiệu quả lại rất hạn chế và gây lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, Thông tư 07/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng theo cách khác nhau, công nghệ khác nhau giá cũng khác nhau và rất khó tính toán để có hành lang giá cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Do vậy, các bộ, ngành cần có hướng dẫn về các giải pháp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để địa phương lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình; đồng thời hướng dẫn cụ thể về đơn giá cho từng hình thức xử lý (chôn lấp, đốt rác thông thường không phát điện, đốt rác phát điện…). Với hình thức đốt rác phát điện hiện đại, có suất đầu tư lớn, xử lý triệt để các vấn đề gây ô nhiễm môi trường, thân thiện với môi trường, các tiêu chí chất thải đạt tiêu chuẩn châu Âu, cần phải có một đơn giá xử lý cụ thể để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.

Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phát điện đang được nhiều tỉnh, thành và nhà đầu tư quan tâm, song quy trình, thủ tục đầu tư rất phức tạp, kéo dài, và còn nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về đấu thầu, đất đai, xây dựng, đầu tư… Đặc biệt, quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa cụ thể, còn nhiều vướng mắc. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ những khó khăn này để thu hút được các nhà đầu tư tham gia, góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước xử lý rác thải, bảo vệ môi trường bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn năm 2022 đạt 89%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt  90%. 

Hiện tại, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực tài chính, trí tuệ, kinh nghiệm sử dụng công nghệ hiện đại cho các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam. Công nghệ đốt rác phát điện cũng được áp dụng rộng khắp trên thế giới với hàng nghìn nhà máy đang hoạt động; trong đó nhiều nhà máy xử lý rác thải tương tự như rác thải sinh hoạt tại Việt Nam nên việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ rất thuận tiện. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích và đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước có năng lực trong lĩnh vực này. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng và tiến tới làm chủ công nghệ hiện đại, vừa mang lại nguồn thu để tái đầu tư và bảo đảm an ninh môi trường; đồng thời mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phát triển và nhiều lợi ích khác khi các dự án có nhà đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam.

VEA.