Báo cáo chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên đợt 1 năm 2024
Quan trắc môi trường tự động 23/04/2024
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên đợt 1 năm 2024 như sau:
Hiện trạng chất lượng môi trường không khí
Kết quả quan trắc môi trường không khí đợt 1/2024 tại 5 tỉnh miền Trung cho thấy: chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi TSP và tiếng ồn tại các điểm quan trắc gần trục giao thông lớn, gần các Khu công nghiệp. Các thông số NO2, SO2 và CO có giá trị thấp, đạt QCVN 05:2023/BTNMT (QCVN 05).
Kết quả quan trắc các thông số không khí và tiếng ồn đợt 1/2024 được thể hiện tại Bảng sau:
Tổng bụi lơ lửng: Giá trị TSP dao động trong khoảng từ 84 - 339 µg/Nm3 và có 7/33 điểm có giá trị TSP vượt ngưỡng giới hạn quy định QCVN 05 (300 µg/Nm3) theo trung bình 01 giờ, cao nhất tại điểm đo Đông KCN Hòa Khánh (339 µg/Nm3).
So với đợt 8/2023: giá trị TSP có biến động giảm về giá trị nhưng không có biến động về số điểm vượt QCVN 05 (đợt 8/2023: giá trị TSP dao động trong khoảng từ 97 - 345 µg/Nm3 và có 7/33 điểm có giá trị TSP vượt QCVN 05).
Biểu đồ 2 và 3 cho thấy, tại 07 điểm quan trắc tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, giao thông đô thị: Đông KCN Hòa Khánh (339 µg/Nm3), Ngã 5 đầu đường Trần Bình Trọng (337 µg/Nm3), Ngã tư Quang Trung- Hùng Vương (324 µg/Nm3), Đông Nam KCN Phú Bài (313 µg/Nm3), Phía Đông KCN Phú Tài (311 µg/Nm3), Phường Quang Trung, TP Quy Nhơn (308 µg/Nm3) và Tây Nam KCN Quảng Phú (306 µg/Nm3) có giá trị TSP vượt ngưỡng QCVN 05 (300 µg/Nm3).
Tiếng ồn: Kết quả quan trắc đợt 1/2024 cho thấy: giá trị tiếng ồn dao động trong khoảng từ 54,0 - 82,4 dBA, cao nhất tại điểm đo Tây KCN Liên Chiểu có giá trị là 82,4 dBA, trong đó: có 16/33 điểm vượt QCVN 26 (70 dBA, áp dụng với khung thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, cho khu vực thông thường), chiếm tỷ lệ 48,5%
So với đợt 8/2023: tiếng ồn có biến động giảm về giá trị nhưng tăng số điểm vượt QCVN 26 (đợt 8/2023: giá trị tiếng ồn dao động trong khoảng từ 53,5 – 83,3 dBA và có 15/33 điểm vượt QCVN 26, chiếm tỷ lệ 57,6%).
Lưu huỳnh dioxit (SO2), Carbon monoxide (CO) và Nitơ dioxit (NO2): Giá trị SO2, CO và NO2 tại 33 điểm quan trắc trong đợt 1/2024 đều đạt QCVN 05 theo trung bình 1 giờ (SO2: 350 µg/Nm3, CO: 30.000 µg/Nm3, NO2: 200 µg/Nm3). Trong đó: SO2 dao động từ <20 - 39 µg/Nm3; CO dao động từ 3.714 – 11.585 µg/Nm3 và NO2 dao động từ <10 - 35 µg/Nm3. Nhìn chung, kết quả quan trắc SO2 có biến động giảm và NO2 có biến động tăng so với đợt 8/2023 (đợt 8/2023: SO2 dao động từ <20 - 41 µg/Nm3 và NO2 dao động từ 10 - 32µg/Nm3).
Hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt và trầm tích
Hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt
Kết quả tính toán giá trị VN_WQI tại 36 điểm quan trắc trên LVS Hương và LVS Vu Gia – Thu Bồn đợt 1/2024 phản ánh chất lượng môi trường nước tốt, ngoại trừ điểm quan trắc tại khu vực chợ Đông Ba – LVS Hương có chất lượng nước tương đối xấu do ảnh hưởng bởi hoạt động của các tiểu thương và dân sinh quanh chợ. Tại 36 điểm quan trắc có 24/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 66,7%), 11/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%) và 1/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 2,7%).
Chi tiết diễn biến chất lượng nước trên 02 LVS như sau:
LVS Hương:
Chất lượng nước trên LVS Hương đợt 1/2024 có giá trị VN_WQI nằm trong khoảng 45 – 100, có 3/6 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 50,0%), 2/6 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 33,3%) và 1/6 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 16,7%).
Chất lượng nước đợt 1/2024 suy giảm so với đợt 8/2023 (đợt 8/2023: có giá trị VN_WQI nằm trong khoảng 80 – 89, có 6/6 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.
LVS Vu Gia - Thu Bồn:
Chất lượng nước trên LVS Vu Gia – Thu Bồn đợt 1/2024 có giá trị VN_WQI nằm trong khoảng 82 – 100, có 21/30 điểm có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 70,0%), 9/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,0%).
Chất lượng nước đợt 1/2024 tốt hơn so với đợt 8/2023 (đợt 8/2023: có giá trị VN_WQI nằm trong khoảng 58 – 93, có 1/30 điểm có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 3,3%), 27/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 90,0%) và 2/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 6,7%).
Qua kết quả quan trắc chất lượng nước mặt đợt 1/2024 cho thấy: có 5/13 thông số (N-NH4+, N-NO2-, Fe, Mn và Cl-) vượt giá trị giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người (Bảng 1, QCVN 08:2023/BTNMT), cụ thể như sau:
- Giá trị N-NH4+ đợt 1/2024 tại 36 điểm có giá trị N-NH4+ dao động từ <0,06 – 6,5 mg/L, với giá trị cao nhất tại chợ Đông Ba – sông Hương là 6,5 mg/L. Tại 36 điểm quan trắc, có 1/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 2,8%. So với đợt 8/2023 thì N-NH4+ tăng mạnh về giá trị và giảm mạnh số điểm vượt QCVN 08 (đợt 8/2023: giá trị N-NH4+ dao động từ <0,06 – 1,4 mg/L. Tại 36 điểm quan trắc, có 15/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 41,7%).
- Giá trị N-NO2- quan trắc đợt 1/2024 tại 36 điểm dao động từ <0,006 – 3,84 mg/L, với giá trị cao nhất tại khu vực chợ Đông Ba – sông Hương là 3,84 mg/L. Tại 36 điểm quan trắc, có 3/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 8,3%. So với đợt 8/2023 thì N-NO2- có biến động tăng mạnh về giá trị và tăng về số điểm vượt QCVN 08 (đợt 8/2023: giá trị N-NO2- dao động từ <0,006 – 0,20 mg/L, có 2/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 5,6%).
- Giá trị Fe: Kết quả quan trắc đợt 1/2024 tại 36 điểm có giá trị Fe dao động từ <0,09 – 1,14 mg/L. Tại 36 điểm quan trắc đợt 1/2024, có 1/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 2,8%. So với đợt 8/2023 thì giá trị Fe giảm về giá trị và số điểm vượt QCVN 08 (đợt 8/2023: giá trị Fe dao động từ <0,09 – 1,27 mg/L, có 9/36 điểm vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 25%).
- Giá trị Mn: Kết quả quan trắc đợt 1/2024 tại 36 điểm có giá trị Mn dao động từ <0,09 – 0,26 mg/L. Trong đó, có 1/36 điểm vượt QCVN 08 tại cầu Đỏ - sông Vu Gia, chiếm tỷ lệ 2,8%.
- Giá trị Cl-: Kết quả quan trắc đợt 1/2024 tại 36 điểm trên LVS Vu Gia – Thu Bồn và LVS Hương có giá trị Cl- dao động từ <9 – 12.138 mg/L, cao nhất tại cầu Thuận Phước – sông Vu Gia là 12.138 mg/L. Trong đó: có 8/36 điểm quan trắc vượt QCVN 08 (250 mg/L), chiếm tỷ lệ 22,2%. So với đợt 8/2023 thì giá trị Cl- có xu hướng tăng mạnh về giá trị và số điểm vượt QCVN 08 (đợt 8/2023: giá trị Cl- dao động từ <9 – 1.661 mg/L, có 2/25 điểm quan trắc vượt QCVN 08, chiếm tỷ lệ 8,0%).
Nguyên nhân giá trị Cl- cao là do các điểm quan trắc này có vị trí địa lý gần biển và cửa sông nên chịu ảnh hưởng của sự xâm nhập mặn theo mùa.
Kết quả phân tích đợt 1/2024 các thông số phục vụ cho việc phân loại chất lượng nước sông và bảo vệ môi trường sống dưới nước tại 36 điểm quan trắc cho thấy:
Chất lượng nước trên LVS Hương tại các điểm quan trắc đạt loại A đối với 03 thông số: pH, DO và TSS, chiếm tỷ lệ 100%; thông số COD: có 2/6 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 33,3%, 1/6 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 16,7%, 1/6 điểm đạt loại C, chiếm tỷ lệ 16,7% và 2/6 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 33,3%; thông số BOD5: có 2/6 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 33,3%, 1/6 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 16,7%, 2/6 điểm đạt loại C, chiếm tỷ lệ 33,3% và 1/6 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 16,7%, thông số tổng N: có 2/6 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 33,3%, 3/6 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 50,0%, và 1/6 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 16,7%; tổng P: có 5/6 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 83,3%, và 1/6 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 16,7%.
Trên LVS Vu Gia – Thu Bồn, chất lượng nước đạt loại A đối với thông số pH và DO; thông số TSS: có 23/30 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 76,7% và 7/30 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 23,3%; thông số COD: có 18/30 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 60,0%, 5/30 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 16,7%, 3/30 điểm đạt loại C, chiếm tỷ lệ 10,0% và 4/30 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 13,3%; thông số BOD5: có17/30 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 56,7%, 3/30 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 10,0%, 7/30 điểm đạt loại C, chiếm tỷ lệ 23,3% và 3/30 điểm đạt loại D, chiếm tỷ lệ 10,0%; tổng N: có 13/30 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 43,3%, 16/30 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 53,3%, và 1/30 điểm đạt loại C, chiếm tỷ lệ 3,3%; tổng P: có 29/30 điểm đạt loại A, chiếm tỷ lệ 96,7%, và 1/6 điểm đạt loại B, chiếm tỷ lệ 3,3%.
Hiện trạng chất lượng trầm tích
Đợt 1 năm 2024 thực hiện quan trắc trầm tích tại 15 điểm quan trắc với các thông Pb, As, Hg và HCBVTV nhóm Clo hữu cơ (Aldrin, Dieldrin, Endrin, 4,4’-DDD, 4,4’-DDE, 4,4’-DDT, Chlordane, Heptachlor, Heptachlor epoxide), kết quả phân tích cho thấy các thông số này đều có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 43 về chất lượng trầm tích đáy (cột trầm tích nước ngọt). Trong đó, giá trị kim loại nặng Pb dao động 7,15 – 46,5 mg/kg khô, kim loại nặng As dao động 2,83 – 12,52 mg/kg khô, kim loại nặng Hg có giá trị <0,24 – 0,35 mg/kg khô, HCBVTV Clo hữu cơ (Aldrin, Dieldrin, Endrin, 4,4’-DDD, 4,4’-DDE, 4,4’-DDT, Chlordane, Heptachlor, Heptachlor epoxide) đều có giá trị nằm dưới giới hạn của phương pháp phân tích <2,0 µg/kg khô.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu ô nhiễm các thông Pb, As, Hg, Hóa chất BVTV nhóm Clo hữu cơ trong trầm tích, tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi để đưa ra các cảnh báo kịp thời trong thời gian tới.
Hiện trạng chất lượng môi trường nước biển ven bờ và trầm tích biển
Hiện trạng chất lượng môi trường nước biển ven bờ
Từ kết quả quan trắc môi trường nước biển đợt 1/2024 tại 34 điểm thuộc 07 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) cho thấy: có 01 thông số TSS vượt QCVN 10:2023/BTNMT, cụ thể như sau:
- Giá trị TSS: kết quả quan trắc đợt 1/2024 tại 34 điểm cho thấy, giá trị TSS dao động từ <6 - 69 mg/L, có 4/34 điểm quan trắc vượt QCVN 10, chiếm tỷ lệ 11,8%; giá trị TSS vượt cao nhất tại bãi biển Nhật Lệ, TP Đồng Hới (69 mg/L), vượt 1,4 lần QCVN 10. So với đợt 8/2023 thì TSS có biến động giảm về giá trị và số điểm vượt QCVN 10 (đợt 8/2023: dao động từ 6 - 113 mg/L, có 8/34 điểm quan trắc vượt QCVN 10, chiếm tỷ lệ 23,5%).
Hiện trạng chất lượng môi trường trầm tích biển
Giá trị của các thông số (Hg, As, Cd, Pb) đều thấp hơn QCVN 43 cột trầm tích nước mặn, nước lợ và chưa có dấu hiệu ô nhiễm.
Tổng hợp kết quả quan trắc môi trường, chỉ số chất lượng môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên đợt 1 năm 2024 cho thấy:
- Môi trường không khí: Các thông số phân tích (NO2, CO và SO2) đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 05:2023/BTNMT. Ô nhiễm bụi và tiếng ồn tập trung chủ yếu ở các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp. Chất lượng môi trường không khí đợt 1/2024 tốt hơn so với đợt 8/2023.
- Môi trường nước mặt: Chất lượng nước mặt tại LVS Vu Gia – Thu Bồn và LVS Hương đợt 1/2024 có chỉ số VN_WQI chất lượng nước dao động từ từ 45 – 100, trong đó: có 24/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 66,7%), 11/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 30,6%) và 1/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 2,7%).
Chất lượng nước đợt 1/2024 suy giảm so với đợt 8/2023 (đợt 8/2023: chỉ số VN_WQI chất lượng nước dao động từ 58 – 93, trong đó: có 1/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 2,8%), 33/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 91,7%) và 2/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 5,6%). Tuy nhiên, số điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt đợt 1/2024 tăng mạnh so với đợt 8/2023.
Qua kết quả quan trắc nhóm thông số đánh giá ảnh hưởng tới sức khoẻ con người cho thấy: có 5/13 thông số (N-NH4+, N-NO2-, Cl-, Fe và Mn) vượt giá trị giới hạn tối đa cho phép của Bảng 1, QCVN 08:2023/BTNMT. Kết quả quan trắc nhóm các thông số phục vụ phân loại chất lượng nước sông và bảo vệ môi trường sống dưới nước (Bảng 2, QCVN 08:2023/BTNMT) có 7/36 điểm quan trắc đạt loại A, 16/36 điểm quan trắc đạt loại B, 6/36 điểm quan trắc đoạt loại C, 7/36 điểm quan trắc đạt loại D.
Đối với các vị trí quan trắc trầm tích, hiện tại chưa có dấu hiệu ô nhiễm các thông Pb, As, Hg và hóa chất BVTV nhóm Clo hữu cơ.
- Môi trường nước biển ven bờ: Chất lượng môi trường nước biển ven bờ đợt 1/2024 có xu hướng tốt hơn so với đợt 8/2023. Nước biển ven bờ bị ô nhiễm bởi thông số TSS. Các thông số còn lại chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Chất lượng môi trường trầm tích biển khá tốt, tất cả các điểm quan trắc đều đạt QCVN:2017/BTNMT (cột trầm tích nước mặn, nước lợ).