Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp chuyên gia nhằm đề xuất, chia sẻ, những giải pháp, sáng kiến kỹ thuật, tài chính, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm sớm ngăn chặn, khắc phục được tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay.
Tin tức - Sự kiện 11/02/2025
Tham dự cuộc họp có Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cùng các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh cuộc họp
Tình trạng ô nhiễm không khí đã trở nên đáng báo động từ những tháng cuối năm 2024. Liên tiếp theo quy luật nhiều năm qua, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí. Theo Quyền Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Nguyễn Hoàng Ánh, hiện nay, mạng lưới quan trắc đã được vận hành, thực trạng về chất lượng không khí đã rõ, không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực cũng xuất hiện tình trạng ô nhiễm không khí.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã chỉ ra những nguyên nhân chính và giải pháp xử lý, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy cần tìm nguyên nhân và giải pháp cốt lõi, ưu tiên thực hiện những biện pháp trước mắt như kiểm soát hoạt động xây dựng các công trình từ khu đô thị, công trình giao thông, công trình công ích, hoạt động giao thông vận tải, nhất là khâu vận chuyển vật liệu xây dựng; tăng cường vệ sinh đường phố; phun mưa trong thời điểm hàm lượng bụi gia tăng đột biến; kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và đặc biệt là kiểm soát tình trạng đốt rác thải, sinh khối, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vẫn diễn ra rất nghiêm trọng…
Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu tại cuộc họp
PGS.TS. Lý Bích Thủy, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã trình bày về các kinh nghiệm từ các nơi khác, đặc biệt là Bắc Kinh. Bắc Kinh đã rất thành công trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí (bụi mịn) mặc dù có điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Những chìa khóa cho thành công của Bắc Kinh bao gồm mục tiêu rõ ràng; một loạt các biện pháp kiển soát hiệu quả với các nguồn thải lớn như nhiệt điện, công nghiệp, giao thông, xây dựng, đốt hở; phương pháp thực thi các biện pháp kiểm soát hiệu quả sáng tạo với trách nhiệm thực thi cao; cùng với nền tảng khoa học và công nghệ được hỗ trợ phát triển mạnh mẽ.
PGS.TS. Lý Bích Thủy, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày tại cuộc họp
Từ những bài học kinh nghiệm của nước bạn, PGS.TS. Lý Bích Thủy đề xuất đột phá trong việc xác định mục tiêu; đột phá trong việc xác định nguồn và xác định các biện pháp can thiệp hiệu quả dựa trên những chương trình nghiên cứu dài hạn bởi các đại học và nghiên cứu; đột phá trong chính sách và thực thi; cũng như trong hoạt động tài chính.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, bài toán ô nhiễm không khí vẫn chưa có lời giải cụ thể. Theo ông, yếu tố quyết định thành công trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí là quyết tâm chính trị và nguồn lực hỗ trợ.
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đưa ra những khó khăn và giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam
TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng về ô nhiễm không khí, đây là “thời điểm vàng” để tạo được sự đồng thuận cao trong vấn đề xử lý ô nhiễm không khí vì vậy, cần xác định rõ những hành động cấp bách và phải triển khai ngay. Theo ông, những khó khăn trong công tác kiểm soát ô nhiễm không khí đó là tắc nghẽn về thể chế, còn nặng về tiền kiểm thay vì hậu kiểm, thiếu dữ liệu khoa học, chưa xác định rõ trách nhiệm liên quan của các đối tương có phát sinh nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí…
Tại cuộc họp, nhiều chuyên gia, nhà quản lý bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến, giải pháp được đưa ra. Trong đó chú trọng các giải pháp như xây dựng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học nhằm đưa ra các cảnh báo sớm, thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh, tháo điểm nghẽn về cơ chế, kinh phí đầu tư…
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Cục đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự cuộc họp, đồng thời, sẽ tổng hợp ý kiến để có báo cáo giải trình cụ thể đối với các cấp, các ngành.
Theo ông Hoàng Văn Thức, giải quyết ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của các cơ quan Trung ương mà cần có sự tham gia của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và phải được phân cấp triển khai thực hiện tới tận các cấp chính quyền xã, phường. Kiểm soát, khắc phục ô nhiễm không khí không phải là “cuộc chiến” của những nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, mà còn cần sự chung sức, đồng lòng của người dân, của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, Cục mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp, phối hợp của các chuyên gia, nhà khoa học để chung tay giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị nói riêng...
TIN LIÊN QUAN
- Về việc dừng việc thực hiện Kế hoạch xét tuyển viên chức năm 2024 của Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường
- Lễ phát động “Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025
- Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường
- Thư chúc mừng năm mới Xuân Ất Tỵ 2025 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
- Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với các cơ quan chuyên môn để triển khai kế hoạch trong công tác phối hợp với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”
- Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải
- TPHCM quản lý chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các chung cư