Hội thảo trao đổi về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khu vực miền Nam

Tin tức - Sự kiện 23/08/2024

Ngày 23/8, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các địa phương khu vực miền Nam. Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ TN&MT chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.


Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề để tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời gian tới. Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra ngày càng mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn nói chung và đặc biệt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng phát sinh ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

Chính vì lẽ đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải. Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 03 loại: (i) chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; (ii) chất thải thực phẩm; (iii) chất thải rắn sinh hoạt khác. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế.

Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý sau khi phân loại CTRSH tại địa phương, căn cứ theo phân công của Quốc hội tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Và đặc biệt, Bộ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường để các địa phương triển khai thực hiện phân loại CTRSH chậm nhất là ngày 31/12/2024. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn Công văn số 5392/BTNMT-KSONMT ngày 12/8/2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức bộ thông tin, tài liệu gồm: 1. Bộ nhận diện CTRSH phục vụ cho công tác phân loại CTRSH; 2. Phim hoạt hình hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH và 3. Phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương để các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, triển khai công tác truyền thông, phổ biến, tuyên truyền về phân loại CTRSH tới từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng.

"Hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt" được tổ chức để lắng nghe, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân cũng như đánh giá bước đầu việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Hội thảo cũng là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp cụ thể, sáng tạo và khả thi cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc. 

Trong quá trình ban hành hướng dẫn cụ thể và triển khai về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, UBND cấp tỉnh cần căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương theo hướng quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Văn bản hướng dẫn thực hiện; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

Toàn cảnh Hội thảo

Việc thực hiện phân loại thành công phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có một số yếu tố quan trọng như hạ tầng kỹ thuật cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển tái sử dụng, tái chế và xử lý CTRSH phải đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu; có chính sách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương đến địa phương để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý CTRSH; cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương (tạo ra chính sách, cơ chế thực hiện), doanh nghiệp (trang thiết bị xử lý tái chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo đủ nguyên liệu để vận hành ổn định), người dân.

Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành định mức mức kinh tế-kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho các địa phương định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định giá cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. 

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về chủ đề quản lý, phân loại CTRSH, kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn vướng mắc thực tế tại các địa phương. Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ông Hoàng Văn Thức đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp, hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn, để công tác này được diễn ra hiệu quả từ ngày 1/1/2025.

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc Hội thảo, Cục trưởng Hoàng Văn Thức cảm ơn và đánh giá cao sự tham dự và các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hi vọng trong thời gian tới đây, mỗi người dân, mỗi nhà quản lý và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thành công lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước, phát triển kinh tế tuần toàn, tạo tiền đề cho cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

 

TIN LIÊN QUAN